Mua sắm trực tuyến sẽ giống như tiêu dùng hàng ngày trong 5 năm tới

Theo báo cáo của Nielsen, 77% người dùng internet Việt Nam đã từng mua sản phẩm hoặc dịch vụ trực tuyến. Trong đó thời trang, sách - âm nhạc, công nghệ thông tin là những sản phẩm được ưa chuộng hàng đầu. Tuy nhiên đối với thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, cơ hội vẫn còn đang bỏ ngỏ với rất nhiều ngành hàng.

1. Thị trường TMĐT đã sẵn sàng bùng nổ


Trong những năm gần đây, thị trường TMĐT Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Trong đó thời trang, sách - âm nhạc, công nghệ thông tin là những sản phẩm được ưa chuộng hàng đầu.

 

Những sản phẩm chọn mua trực tuyến hàng đầu. (Nguồn: Nielsen)

 


Báo cáo mới đây của Nielsen - công ty đo lường toàn cầu về TMĐT cho biết, tỷ lệ sở hữu Smartphone tăng lên hàng năm và không có sự chênh lệch quá lớn giữa thành thị và nông thôn, thành thị 84%, nông thôn 64%.

Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nielsen Hà Nội nhận định: "Thương mại điện tử sẽ giống như tiêu dùng hàng ngày trong 5 năm nữa, có đến 56 triệu người sử dụng internet cố định 55 triệu tài khoản MXH, rõ ràng người tiêu dùng được kết nối ở khắp mọi nơi, khắp mọi miền đất nước.".

Thời gian người tiêu dùng online càng nhiều thì cơ hội cho TMĐT càng lớn, trung bình mỗi người sử dụng 48 giờ/tuần, mỗi ngày khoảng 2,5 giờ.

Nhìn lại thời gian qua có thể thấy, các sàn TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng, phát triển và cạnh tranh khá gay gắt. Mỗi sàn đều đưa ra những chiến lược kinh doanh khác nhau để dành thị phần và chiếm lĩnh thị trường.

 
 

"Các sàn TMĐT đều bám chặt vào các sự kiện trong cuộc sống, họ thực hiện những cuộc chiến trên social media, những phần quảng bá thú vị trong thời gian qua" đại diện Nielsen Hà Nội cho biết.

Những cái tên nổi bật của thị trường TMĐT Việt Nam phải kể đến là Lazada, Shopee và Tiki với số lượng truy cập lên đến hàng triệu người, đây là con số được đánh giá là rất cao so với một thị trường TMĐT còn non trẻ như Việt Nam.

Đồng thời, thu nhập bình quân của người Việt không ngừng tăng cao, dân số trẻ cũng là những yếu tố không nhỏ tạo tiềm năng cũng như cơ hội cho thị trường TMĐT trong nước.


2. Người tiêu dùng trên TMĐT thích mua hàng khuyến mại


Điều gì đã kiến người tiêu dùng thay đổi thói quen và thích mua sắm online? Những vị khách mua sắm hiện nay đang tìm kiếm khuyến mại, 85% khách hàng tìm kiếm khuyến mại đặc biệt vào những dịp đặc biệt, 73% khách hàng kiểm tra và so sánh với các kênh khác.  

Nhân tố thúc đẩy mua sắm. (Nguồn: Nielsen)

 


Bà Đặng Thúy Hà cho rằng, việc tìm kiếm lợi ích và đặc biệt là các chương trình khuyến mãi chính là động lực thúc đẩy việc mua sắm online. Các sàn TMĐT đang tiếp cận khách hàng bằng những chiến lược khuyến mãi và khuyến mãi khủng.

Các chương trình khuyến mãi như miễn phí giao hàng, đổi hàng, giảm giá nhanh, tích điểm, khuyến mãi khủng vào dịp đặc biệt được hầu hết các sàn TMĐT áp dụng. Ngoài ra, họ không ngừng đổi mới các chiến lược bán hàng bằng những hình thức khác như chơi game trên trang web, truyền hình, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng… để thu hút khách hàng.


3. Những rào cản


Thương mại điện tử Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ và phát triển, tuy nhiên vẫn có những rào cản nhất định đặt ra với thị trường trong nước. Nhiều khách hàng vẫn chưa tin tưởng vào việc mua sắm trực tuyến, họ lo ngại tình trạng gian lận, muốn xem hàng trước khi mua.

 

Hành trình mua sắm online. (Nguồn: Nielsen)

 

Một số không hài lòng về trải nghiệm và chất lượng dịch vụ, họ đặt ra hàng tá câu hỏi, sản phẩm này có thực sự phù hợp với tôi không? Cửa hàng thực chẳng xa nơi tôi ở là mấy? Sản phẩm có thể bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển? Sản phẩm thực khác xa với quảng cáo?

Và một bộ phận khách hàng không quen thuộc với việc mua sắm trực tuyến, trong khi đó một số trang mạng không dễ dàng sử dụng.

Giám đốc Nielsen Hà Nội quan điểm rằng, nếu chúng ta quan tâm đến cơ thì chúng ta phải quan tâm đến mối lo ngại của người tiêu dùng, phải hiểu người tiêu dùng để từ đó đưa ra những phương pháp giải quyết tối ưu cho những rào cản còn tồn tại.

 

Cơ hội còn bỏ ngỏ với nhiều ngành hàng. (Nguồn: Nielsen)

 

Chính vì những rào cản trên nên cơ hội còn bỏ ngỏ đối với rất nhiều ngành hàng của TMĐT. Nếu giải quyết tốt những rào cản ở trên, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đồng ý mua sắm trực tuyến nhiều hơn và đối với mỗi ngành hàng khác nhau, tỷ lệ đồng ý mua sắm trực tuyến sẽ là khác nhau.

 

Nguồn từ Học Viện Haravan: https://hocvien.haravan.com/blogs/seo/web-chuan-seo-la-gi-cac-tieu-chi-danh-gia-website-chuan-seo